Doanh nghiệp dệt may tính toán “chốt” đơn hàng quý cuối của năm

Báo Công thương - 02/06/2024 2:26:57 PM


Dù các nhãn hàng vẫn đang thận trọng theo dõi thị trường nhưng doanh nghiệp dệt may được khuyến cáo tính toán đàm phán đơn hàng cho quý IV/2024.

5 tháng đầu năm 2024, dệt may vẫn nằm trong top ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, đạt 13,116 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Theo ông Vương Đức Anh- Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sự tăng trưởng của ngành phần lớn nhờ vào kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may duy trì đà tăng ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản.

Nhận định các yếu tố tác động ảnh hưởng tới xuất khẩu dệt may Việt Nam nửa cuối năm 2024, đại diện Chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may nhận định, tổng cầu dệt may năm 2024 dự báo tăng 5 – 6% so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn 2019. Do đó, đơn hàng, đơn giá sẽ chưa được cải thiện nhiều.

'

Đơn giá hàng dệt may xuất khẩu nửa cuối năm chưa có dấu hiệu cải thiện

Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị vẫn căng thẳng, đe dọa sự phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng. Các quốc gia đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, cạnh tranh lấy lại thị phần như: Giảm giá, chính sách hỗ trợ trong nước.

Đặc biệt, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ có xu hướng gia tăng các cuộc kiểm tra hàng hóa đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nicaragua, Philippines, Việt Nam… Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thẩm định chuỗi cung ứng, đảm bảo quy định về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng dệt may khi xuất khẩu vào thị trường này.

Hơn nữa, chi phí đầu vào dự kiến tiếp tục sẽ tăng do cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện và lãi suất ngân hàng tăng…

Tuy nhiên vẫn có nhiều yếu tố thuận cho xuất khẩu hàng dệt may khi kinh tế vĩ mô của Mỹ, EU không xấu đi so với dự báo, xu thế kiểm soát được tình hình khá rõ, nhất là ở EU và Anh. Tiêu dùng và thu nhập ở Mỹ, EU đều có xu thế tăng. Tồn kho giảm khá mạnh so với 2023, nhưng vẫn còn cao hơn trước dịch Covid-19. Trung Quốc có xu thế chấm dứt các hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, đưa mặt bằng cạnh tranh trở về mức thị trường. VNĐ là một trong các đồng nội tệ giảm giá nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm…

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng thông tin, nửa cuối năm, đơn giá hàng dệt may chưa được cải thiện, nhất là với các đơn hàng FOB. Về cơ bản đơn hàng của doanh nghiệp thành viên tập đoàn đã có đủ tới hết quý III/2024, nhưng đơn hàng quý IV/2024 vẫn chưa chắc chắn bởi khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường.

Mặt khác, hàng giá rẻ chiếm ưu thế tuyệt đối, nhãn hàng vẫn duy trì giá bán giảm để xử lý tồn kho về mức trước dịch. Các hãng thời trang cơ bản đã vượt qua khó khăn, lợi nhuận tăng trưởng rất tốt so với các nhà sản xuất.

Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, bất ngờ có thể xảy ra như: Thị trường Nhật Bản đang tốt hơn so với thực trạng vĩ mô, có thể dẫn đến đảo chiều bất ngờ; thị trường Mỹ chưa có đợt giảm lãi suất, dẫn tới cầu chưa tăng đột biến, một số khách hàng truyền thống gặp khó khăn.

Lãi suất trong nước có xu thế tăng lên, VNĐ trong 6 tháng cuối năm ít có khả năng phá giá, thậm chí là có khả năng tăng giá. Ngành sợi vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khủng hoảng.

Trước hiện trạng trên, ông Lê Tiến Trường đề nghị các doanh nghiệp thuộc tập đoàn tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ, EU. Cân đối để chuyển đổi đồng USD sang VNĐ có thể lên giá nhẹ cuối năm, tích cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may từ Việt Nam…

Đặc biệt, doanh nghiệp cần luôn chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường.

Hải Linh-Link gốc

Các tin liên quan